Một thế giới hậu "Ước mơ"
25 tháng 07 năm 2023
Trên hành trình dài của cuộc đời, việc có cho mình ít nhất một ước mơ và đam mê là một điều quý giá. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi, “phía sau ước mơ” là gì? Liệu rằng đó có là cảm giác hạnh phúc tột cùng? Và liệu rằng ước mơ, đam mê là toàn bộ những gì bạn phải hướng đến? Lấy ý tưởng từ bộ phim hoạt hình “Soul” về ước mơ và hoài bão của con người, hôm nay bạn hãy cùng DSA mở lòng và tìm kiếm những điều đẹp đẽ nơi tâm hồn nhé!
Liệu rằng đam mê là tất cả trong cuộc sống? (Nguồn: Soul - Pixar)
Đam mê và ước mơ là gì?
“Đam mê” là một từ trừu tượng, khó có ai có thể đưa ra một định nghĩa chính xác cho “đam mê”. Có thể hiểu, đam mê là thứ có thể khơi dậy niềm khát khao sâu thẳm, trở thành động lực, và tồn tại đủ lâu để một người có thể cống hiến hết mình, dùng toàn bộ sức mạnh, nguồn lực, tận dụng sở trường, tài nguyên vốn có để đạt được. “Ước mơ”, song, lại “lãng mạn” hơn một chút. Ước mơ khởi nguồn từ những điều nhỏ bé, trải qua quá trình với vô vàn khó khăn trở ngại vẫn luôn là một tia sáng phía cuối con đường, để thôi thúc và dẫn lối con người tới đỉnh vinh quang.
Có thể thấy, đam mê và ước mơ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Chúng cải thiện và giúp chúng ta rèn luyện các kỹ năng liên quan cũng như ngày càng hoàn thiện bản thân hơn, sức mạnh của chúng tiếp thêm cho ta nguồn năng lượng dồi dào và bùng nổ, và niềm yêu thích chúng sẽ là sự tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Thế nhưng, trong vô vàn những suy nghĩ về làm sao để tìm kiếm đam mê, làm sao để theo đuổi hoài bão, bạn đã bao giờ tự hỏi về một thế giới “sau ước mơ”? Và liệu rằng, bạn đã theo đuổi đam mê, ước mơ đúng cách?
Đam mê và ước mơ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân (Nguồn: Pinterest)
Thành công và hạnh phúc: “chị em” hay “bạn bè”?
Nhằm trả lời cho câu hỏi một thế giới “sau ước mơ”, bộ phim hoạt hình “Soul” đã khai thác một khía cạnh ít ai nghĩ đến, rằng khi đã chạm đến mục tiêu mà bản thân dành cả đời để theo đuổi - chúng ta sẽ làm gì tiếp theo? Sự trống rỗng của Joe, nhân vật chính của bộ phim, sau khi hoàn thành buổi biểu diễn jazz trong mơ có lẽ là tâm trạng chung của những ai đã hoàn thành giấc mơ của đời mình.
Đến đây, có lẽ bạn sẽ cảm thấy hứng thú nếu dành ra một chút thời gian tìm hiểu về Chủ nghĩa hữu dụng (Essentialism). Theo , Essentialism là một khái niệm trong khoa học xã hội và triết học, nó cho rằng mọi thứ đều có những đặc điểm cơ bản, làm cho chúng trở thành những gì chúng vốn là. Tác giả Greg McKeown của quyển sách Essentialism: The Disciplined Pursuit of Less cũng đã định nghĩa chủ nghĩa này như sau: “Less but better”. Theo đó, khi thực hành chủ nghĩa hữu dụng, bạn sẽ tập trung vào những điều bạn cho là thực sự quan trọng, và loại bỏ đi những điều không đáng bận tâm.
Joe, một người sống theo chủ nghĩa trên một cách quá mức, ý thức được bản thân là ai và những gì muốn làm, và vì vậy cuộc đời và nhiệm vụ của Joe là tìm hiểu, khám phá và thực hiện ưu tiên hàng đầu của ông - được biểu diễn nhạc jazz và trở thành một nhạc công nổi tiếng. Để rồi khi Joe hoàn thành ước mơ mà ông đã toàn tâm toàn ý, dành trọn đam mê theo đuổi gần nửa đời người, câu hỏi “Giờ thì sao?” lại vang lên trong trí óc - Khi ước mơ không còn ngoài tầm với, tiếp theo Joe phải hướng về đâu?
Sau ước mơ, ta làm gì?
Tâm trạng trống rỗng của Joe như hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang mải đuổi theo đam mê của mình. “Tôi cảm thấy không như tôi tưởng”, đúng thế, đa số chúng ta đều nghĩ rằng hạnh phúc gắn liền với thành công, rằng một khi thành công bạn sẽ là một người hạnh phúc. Ngược lại số 22, nhân vật thứ chính trong phim, một linh hồn thậm chí còn không biết mục đích sống của mình là gì, lại cảm nhận rõ được cái gọi là hạnh phúc đối với những điều Joe cho là bình thường trong cuộc sống. Vậy nên bạn thấy đấy, thứ cảm xúc hạnh phúc như gần như xa đó lại không phải là thứ “phía sau ước mơ”, mà lại ở “trong ước mơ”. Do đó:
Đừng mải chạy theo "đam mê" mà bỏ qua những điều nhỏ bé
Nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn là liều thuốc tăng lực hiệu quả nhất. Thế nhưng, nếu bạn đã từng đọc bài viết của DSA về (Văn hóa sống hối hả), bạn sẽ nhận ra rằng đôi lúc, “sống chậm lại giữa thế gian vội vã” lại mang đến những điều mà bạn hằng theo đuổi. Khi vừa rời khỏi sân khấu, sau những tràng vỗ tay của khán giả và người thân yêu, Joe lại thấy trống rỗng. Đó cũng là lúc ông nhận ra hạnh phúc trong cuộc đời không tạo nên từ một vài phút huy hoàng, mà là từ những niềm vui trên hành trình đến đích.
Những khoảnh khắc nhỏ bé, bình dị nhưng thường bị ta lãng quên trong tâm thế hừng hực chạy về đích ấy, rốt cuộc, lại trở thành những ký ức đẹp trong hành trình của mỗi cuộc đời. Ước mơ và đam mê là động lực to lớn, nhưng bạn không nhất thiết phải thực hiện được ước mơ mới có được một cuộc sống hạnh phúc. Tận hưởng từng phút của cuộc sống - đó chính là thông điệp mà “Soul” cũng như DSA muốn gửi gắm đến bạn.
Hãy trân trọng những điều nhỏ bé (Nguồn: Soul - Pixar)
và rằng: Đam mê không phải là mục đích sống của bạn
Hãy theo đuổi đam mê của bạn. Thế nhưng, mãi theo đuổi một mục tiêu vô thường sẽ khiến chúng ta dễ dàng trở nên lạc lối và mắc kẹt trong chính những ước mơ của đời mình, đặc biệt là những sinh viên vừa mới rời chương trình học phổ thông và đứng trước rất nhiều ngã rẽ. Khi ấy, một số lựa chọn theo đuổi thứ mình yêu thích mà bỏ qua khả năng của bản thân, một số khác lại theo đuổi một thứ gọi là xu hướng mà quên mất xã hội luôn không ngừng thay đổi. Thay vào đó, sao bạn không thử bắt đầu từ những gì bản thân giỏi, đồng thời thực hiện nó với một thái độ cầu tiến và kiên nhẫn. Ví như khi bạn mơ ước về một vị trí lãnh đạo trong công ty, điều đó không có nghĩa là bạn bỏ qua sức khỏe, gia đình và “lạc lối” trong suy nghĩ phải thăng chức một cách nhanh chóng nhất có thể. Hãy bỏ vào một chút kiên nhẫn, học hỏi từ những người đi trước cũng như là đồng nghiệp và ngày ngày trau dồi bản thân bằng các kỹ năng cần có cho vị trí đó. Có như thế, bạn mới có thể làm chủ được ước mơ, đam mê và sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Mục đích sống không phải đam mê bạn hướng tới, mà là niềm hạnh phúc trên hành trình theo đuổi ước mơ (Nguồn: Soul - Pixar)
Vậy tiếp nối của ước mơ là gì?
Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Nếu ước mơ là ngọn hải đăng dẫn đường, vậy thì khi đã đạt được, bước kế tiếp đây bạn phải bước về đâu? Đừng lo nhé, vì DSA ở đây là để giúp bạn. Hãy cùng DSA thắp sáng đoạn đường tiếp theo bằng những cách sau đây nhé:
Rẽ hướng về phía “ngọn hải đăng” mới
Đam mê, ước mơ không chỉ có thể là đích đến mà còn có thể là điểm xuất phát. Có một mục tiêu để hướng đến, dù lớn lao hay giản dị, đều có thể trở thành một “ngọn hải đăng” soi đường dẫn lối cho chúng ta. Vậy thì tại sao, khi bạn vẫn còn trẻ và khỏe, khi bản thân vẫn được tiếp nhiệt huyết, năng lượng và quyết tâm của món quà quý báu mang tên tuổi trẻ, bạn lại chịu dừng lại khi chỉ mới chinh phục được “một” ước mơ? Ai đó đã từng nói: "Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18-25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khoẻ lẫn sự dẻo dai; cả hưng phấn lẫn thất vọng; cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng; cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc.” Cũng vì điều đó mà sau khi đạt được ước mơ, tìm kiếm ngay cho mình mục tiêu mới để hướng đến chắc chắn là một lựa chọn. Một ước mơ mới, một đam mê mới sẽ lại đặt ra cho bạn một đích đến mới, và nếu bạn đã biết cách “tận hưởng từng phút của cuộc sống” như Joe và số 22, hành trình chạy về đích sẽ không còn là một con đường “đâm đầu nhìn thẳng” mà sẽ muôn màu, hạnh phúc gấp bội phần.
Sẵn sàng thay đổi, nâng cấp bản thân
Một bài học bất cứ ai cũng đã từng nghe qua nhưng cũng không ít người từng phạm phải điều ngược lại: “Không được ngủ quên trên chiến thắng”. Hậu quả của việc “ngủ quên” chắc hẳn bạn đã biết, với rất nhiều những lần hiện hữu từ quá khứ đến hiện tại, trên mọi khía cạnh của cuộc sống, từ những người nổi tiếng cho đến những cá nhân nhỏ bé. Do đó, khi ước mơ đã thành sự thật, đừng chỉ mải tự hào mà quên mất người khác vẫn đang không ngừng tiến bước. Bạn có thể dùng chính thành công mà mình vừa đạt được để tiếp tục nâng cấp bản thân. Ví dụ như ước mơ đạt được học bổng của bạn đã hoàn thành, bạn có thể cân nhắc đến việc dùng số tiền đó để đầu tư vào các khóa học, hay sách vở, giáo trình với những kiến thức mới mẻ, điều này có thể dẫn bạn tới một thành công mới như chinh phục các cuộc thi lớn, hoặc trúng tuyển các chương trình thực tập tiềm năng đấy nhé!
Một tư thế sẵn sàng sẽ giúp bạn đón đầu những thử thách (Nguồn: Pinterest)
“Soul” như một bản jazz nhẹ nhàng, dẫn dắt người xem qua từng thay đổi trong cách nghĩ của nhân vật và làm sáng lại niềm yêu thích được sống với những ai đủ lớn để chiêm nghiệm. Chỉ với 2 tiếng đồng hồ, bộ phim đã gửi gắm được trọn vẹn thông điệp ý nghĩa về việc đừng mải theo đuổi đam mê để rồi quên mất ý nghĩa của chính hành trình theo đuổi đó. Hãy luôn trân trọng những điều nhỏ bé, tận hưởng từng giây phút của cuộc sống, rồi khi đến điểm kết thúc, bạn lại có thể làm sống dậy một lần nữa những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy, trên một hành trình mới với một đích đến mới bạn nhé!
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)
Tài liệu tham khảo
Báo điện tử VTV News. (2021). Phim hoạt hình Soul và những bài học vô giá về cuộc sống.
Chi Nguyễn. (2022). Chuyện gì xảy ra sau khi ước mơ thành sự thật?. Vietcetera.
Dư Hưng. (2020). ‘Soul’ - tuyệt phẩm giàu tham vọng và ý nghĩa của Pixar.
Lauren Martin. (2014). The Real Difference Between Being Successful And Being Happy. Elite Daily.
VietnamWorks. (2019). Vì sao người trẻ vẫn mãi lạc lối với đam mê của mình?.
Vy Dương Thảo. (2022). Chủ nghĩa hữu dụng (Essentialism) là gì và những lợi ích của nó. Tạp chí Phái đẹp ELLE.
Chia sẻ