Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt
15 tháng 04 năm 2021
Dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số hóa đã và đang thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta, đặc biệt trong giai đoạn phong tỏa, giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Theo Báo cáo Kinh Tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 được Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 10/11/2020, Việt Nam là nước có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất khu vực Đông Nam Á, đạt 41%, tỉ lệ người dùng Internet hiện tại, xấp xỉ 70% dân số. Việc triển khai công nghệ mới và sáng tạo làm thay đổi cách thức kinh doanh của các công ty bảo hiểm trên toàn cầu, sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho các Startup Việt trong lĩnh vực bảo hiểm kỹ thuật số, InsurTech.
- Hội thảo chuyên đề: “Công nghệ bảo hiểm - InsurTech: Cơ hội và thách thức đối với ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0”
- UEH tổ chức hội thảo khoa học Nền Kinh tế số trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
- UEH ký kết hợp tác và phối hợp báo cáo chuyên đề với Đại học Musashi, Nhật Bản
Xuất phát từ thuật ngữ FinTech, InsurTech = Insurance + Technology hay còn gọi là Công nghệ Bảo hiểm số là thuật ngữ đề cập đến việc sử dụng các đổi mới công nghệ được thiết kế nhằm tăng tính hiệu quả và tiết kiệm từ mô hình bảo hiểm truyền thống. Các hoạt động trong chuỗi bảo hiểm được thực hiện trực tuyến thông qua mạng Internet, từ những công đoạn đầu tiên như nghiên cứu khách hàng, thiết kế sản phẩm, marketing, đến giai đoạn bán hàng, giao kết hợp đồng và các nghiệp vụ sau bán hàng như chăm sóc khách hàng, thẩm định và giải quyết bồi thường. Ứng dụng công nghệ cũng được sử dụng trong việc bán hàng trực tuyến, các nghiệp vụ bảo hiểm như đánh giá rủi ro, giám định, định phí, tái bảo hiểm,... Các công ty InsurTech có thể là các công ty bảo hiểm gốc, các công ty đóng vai trò trung gian, làm môi giới hay đại lý bảo hiểm, hoặc chỉ cung cấp các giải pháp công nghệ, dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm.
Tại Việt Nam, InsurTech dù chỉ mới hình thành trong những năm gần đây nhưng đã phát triển nhanh chóng. Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm gốc đều đã xây dựng các ứng dụng hay các website trực tuyến phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Cùng với sự thâm nhập các công ty InsurTech nước ngoài là sự ra đời của các Startup InsurTech tại Việt Nam như INSO, SaveMoney, MIIN, Papaya,... Những công ty này phần lớn có qui mô nhỏ, chủ yếu đóng vai trò trung gian (làm môi giới hay đại lý bảo hiểm) và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho các công ty bảo hiểm gốc.
Cơ hội cho Startup Việt
Thị trường bảo hiểm Việt Nam dù đi sau các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore,... nhiều năm nhưng đang trong giai đoạn phát triển và bùng nổ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng liên tục, từ năm 2010 là 30.842 tỉ đồng đến năm 2020 ước tính là 182.654 tỉ đồng. Dự báo thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và InsurTech sẽ bùng nổ trong những năm tiếp theo. Hai thế hệ millenials và Z sẽ vượt qua những người tiêu dùng lớn tuổi, trở thành lực lượng chi tiêu nhiều nhất trong tương lai. Xu hướng không tiền mặt đang phát triển và sẽ hướng người tiêu dùng gia tăng các giao dịch số. Với lợi thế sân nhà, các Startup Việt rõ ràng có nhiều ưu thế trong việc thiết kế các sản phẩm phù hợp với khách hàng nội địa, nâng cao trải nghiệm khách hàng, mở rộng mạng lưới khách hàng tiềm năng và khách hàng trung thành,... Với cấu trúc gọn nhẹ, vận hành linh hoạt, chi phí thấp, các Startup Việt thuận lợi trong việc liên kết với các công ty bảo hiểm gốc trong nước trong việc triển khai InsurTech, khi mà những công ty InsurTech nước ngoài lại bị hạn chế do chi phí cao, khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm công nghệ thông tin của khu vực nhờ chi phí lao động cạnh tranh và môi trường chính trị ổn định. Đây chính là cơ hội giúp các InsurTech Việt hướng tới việc mở rộng thị trường sang các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar,... và các nước trong khu vực.
Và những thử thách lớn…
Bên cạnh những ưu thế và cơ hội, các Startup InsurTech Việt phải đương đầu với những thử thách lớn khi phải cạnh tranh với các công ty InsurTech nước ngoài đầy tiềm lực, luôn phải đau đầu với bài toán nhân lực và vốn. Chi phí đầu tư lớn vào công nghệ và phát triển nhân lực chất lượng cao trong thời gian dài, sự cạnh tranh và đào thải khắc nghiệt của thị trường, nguy cơ bị phá sản, bị thâu tóm của các Startups Việt cũng không hề nhỏ trong quá trình vận hành và phát triển doanh nghiệp.
Số hóa đã và đang ăn sâu vào cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta, InsurTech sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai nếu chúng ta không muốn bị tụt hậu và đào thải. Để thị trường bảo hiểm nói chung và InsurTech nói riêng tại Việt Nam phát triển bền vững cần sự chung tay góp sức của nhà nước, doanh nghiệp và của cả người dân.
Tài liệu tham khảo
- Cục Quản Lý Giám Sát Bảo: Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu (08/02/2021).
- Statista Research Department (2021). Share of Insurtech funding transactions in selected countries worldwide from 2012 to Q4 2020.
- Nguyễn Đình Hoàn, Lê Thị Mai Anh, Bùi Thị Bích Thủy (2019). Insurtech: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Nghiên cứu Tài chính Kế toán 2019, số 12 tr.51-53.
Tác giả liên hệ: Ths. Lê Thị Hồng Hoa - Khoa Toán - Thống Kê, Trường Đại Học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh
Tin, ảnh: Khoa Toán - Thống Kê, Phòng Marketing - Truyền thông
Chia sẻ