Tọa đàm JST tháng 6 với chủ đề “Bitcoin có giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư tốt hơn vàng không? Phân tích copula và các khía cạnh khác”
16 tháng 09 năm 2022
Bitcoin hiện đang là chủ đề nóng khi bàn về thị trường giao dịch kinh tế - tài chính. Để làm rõ hơn về chủ đề này, ngày 29/6/2022, JABES đã tổ chức thành công Tọa đàm JABES Seminar Talks (JST) tháng 6. Buổi tọa đàm đã vinh dự nhận được sự tham gia của GS. Wing-Keung Wong với chủ đề trình bày “Bitcoin có giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư tốt hơn vàng không? Phân tích Copula và các khía cạnh khác” và thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác gồm: Hàn Quốc, Sri Lanka, Indonesia, Bỉ, Cambodia, Malaysia, Nigeria, Ấn Độ, Úc…
GS. Wing-Keung Wong lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ với chuyên ngành Thống kê Kinh doanh. Hiện nay, ông là Giáo sư tại Khoa Tài chính, Asia University; Giáo sư tại Khoa Kinh tế, Hong Kong Baptist University; Phó Giám đốc Risk Management Institute, National University of Singapore; là Biên tập viên, thành viên Hội đồng tư vấn, và Đồng Phó tổng biên tập cho một số tạp chí quốc tế. GS. Wing-Keung Wong xuất hiện trong cuốn sách “Who’s Who in the World” và nằm trong danh sách các nhà kinh tế hàng đầu Đài Loan, châu Á, và RePEc. Ông đã xuất bản hơn 400 bài báo và có hơn 11.600 trích dẫn trong Google Scholar, 9.900 trích dẫn trên Researchgate, và 4.500 trích dẫn trên Scopus.
GS. Wing-Keung Wong cho biết, Bitcoin được tạo ra bởi một tài khoản ẩn danh mang tên Satoshi Nakamoto từ năm 2008, sau đó nhanh chóng trở thành loại tiền kỹ thuật số phổ biến và được giao dịch trên trên toàn thế giới thông qua hệ thống điện tử. Mặc dù vậy, sau đó, Bitcoin chính thức bị cấm giao dịch ở Trung Quốc; cụ thể, theo Tờ South China Morning Post (ngày 5 tháng 2 năm 2018), Trung Quốc đã hạn chế các website liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số và phát hành tiền mã hóa lần đầu (ICO), bao gồm cả các nền tảng nước ngoài. Tuy nhiên, một nghiên cứu được xuất bản bởi GS. Wu Xiaobo (Đại học Chiết Giang Zhejiang, Trung Quốc) – Báo cáo "2018 White Paper on the New Middle Class" đã tiết lộ rằng Bitcoin và tiền kỹ thuật số là một phần trong danh mục đầu tư của tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc.
Trong phần trình bày của mình, GS. Wong nhấn mạnh vàng là một tài sản thực, một tài sản “lâu đời” đã có từ hàng triệu năm trước và người ta đã quen đầu tư vào tài sản này. Bitcoin là một loại tiền kỹ thuật số và có nguồn gốc từ mật mã toán học và được coi là một giải pháp thay thế cho các loại tiền tệ được Chính phủ hậu thuẫn. Vàng và Bitcoin có chung các tính năng như khai thác, phân quyền, không được Chính phủ hậu thuẫn, được giao dịch trên toàn cầu mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, trên thực tế, vàng lại ít hấp dẫn các nhà đầu tư hơn Bitcoin (một trong những đồng tiền kỹ thuật số có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước này) bị hạn chế giao dịch. Vì thế, GS. Wong đã đặt ra câu hỏi rằng tại sao những nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đầu tư vào Bitcoin, vào đồng tiền kỹ thuật số kể cả khi Chính phủ cấm các giao dịch liên quan?
Nghiên cứu của GS. Wong xem xét trên sàn giao dịch vàng Thượng Hải vì cả vàng và Bitcoin đều giống nhau về cách thức giao dịch. Và đồng thời, nghiên cứu cũng xây dựng mô hình rủi ro dựa vào phân phối tỷ suất lợi nhuận thông qua các hàm Copula khác nhau. Kết quả nghiên cứu của GS. Wong cho thấy giá Bitcoin có mức độ co dãn về giá tương đối cao, hàm ý rằng giá trị đồng Bitcoin không ổn định; trong khi đó, giá cổ phiếu chứng khoán và vàng lại tương đối ổn định hơn. Khi ứng dụng Copula vào danh mục đầu tư, danh mục đầu tư có sự xuất hiện của vàng sẽ làm giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư mặc dù tỷ suất lợi nhuận không cao; ngược lại, Bitcoin mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, phản ánh với rủi ro cao - đây là lý do vàng được cấp phép giao dịch chính thức, và Bitcoin thường chỉ dành cho những nhà đầu tư ưa mạo hiểm, thích rủi ro.
Sau phần trình bày chủ đề chính của Tọa đàm, GS. Wong đã giải đáp các thắc mắc về chủ đề nghiên cứu; và cùng thảo luận các nội dung liên quan đa dạng hóa danh mục đầu tư, các yếu tố tác động đến giá Bitcoin, như: Tác động của đại dịch COVID-19, giá dầu, xung đột Nga – Ukraine…
Một số hình ảnh tại tọa đàm:
Tọa đàm JABES Seminar Talks (JST) tháng 6 nằm trong chuỗi tọa đàm JST năm 2022 về chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Tọa đàm về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World). Chúng tôi rất hy vọng chuỗi Tọa đàm JST này sẽ mang lại nhiều ý tưởng quý giá cho việc nghiên cứu của tất cả trong tương lai và rất mong nhận được sự góp mặt của quý thầy cô trong chuỗi tọa đàm JST 2022 của JABES. Để theo dõi, đăng ký và biết thêm các thông tin chi tiết khác, vui lòng xem thêm thông tin bên dưới.
Thông tin thêm:
Tất cả các thông tin mới về JABES và các sự kiện nổi bật như: Hội thảo khoa học quốc tế ACBES 2022, chuỗi Tọa đàm JST sẽ được cập nhật liên tục trên các kênh thông tin chính thức của JABES như sau:
JABES Facebook:
JABES Website: //www.jabes.sbdweb.com/
JABES on Emerald Group Publishing:
ACBES Website: //acbes.sbdweb.com/
JABES Youtube:
Tin, ảnh: JABES
Chia sẻ